Trong các phương tiện giao thông thì máy bay là phương tiện được áp dụng nhiều quy định nghiêm ngặt trong an toàn bay cũng như thủ tục, hàng hóa nhập cảnh vào các quốc gia. Vì thế, nhiều người rất băn khoăn khi phải chọn đường hàng không để đi lại, bởi thủ tục khá rắc rối cho những ai lần đầu đi máy bay.
Với những thông tin "Quy trình làm thủ tục bay cho người lần đầu đi máy bay" dưới đây, hy vọng hành khách sẽ có sự chuẩn bị kĩ các bước làm thủ tục tại sân bay, cũng như hiểu được các thông tin trên vé máy bay giá rẻ mà mình đã đặt mua, nhằm tránh những sai sót làm trễ chuyến bay của bạn.
Chi tiết quy trình làm thủ tục tại sân bay
1. Chuẩn bị giấy tờ
Khi đặt mua vé máy bay tại đại lý, khách hàng luôn có yêu cầu về hạng vé: hạng Thương gia hay hạng Phổ thông. Vì thế, ngay từ lúc đặt vé máy bay, bạn tham khảo thêm những điều khoản về thời gian, hành lý, vị trí phòng chờ, ghế ngồi,…
Hạng thương gia:
- Thời gian mở quầy: 2 giờ (120 phút) trước giờ khởi hành.
- Thời gian đóng quầy: 25 phút trước giờ khởi hành.
Hạng phổ thông:
- Thời gian mở quầy: 2 giờ (120 phút) trước giờ khởi hành.
- Thời gian đóng quầy: 30 phút trước giờ khởi hành.
Quy định về giấy tờ:
Khi làm thủ tục chuyến bay, hành khách sẽ được yêu cầu xuất trình giấy tờ tùy thân (còn hiệu lực) và được phép sử dụng khi đi lại bằng đường hàng không:
- Chứng minh thư nhân dân nếu đi trong nước hay hộ chiếu để đi nước ngoài.
- Chứng minh của các lực lượng vũ trang
- Thẻ Đại biểu Quốc hội, thẻ Đảng viên, thẻ Nhà báo,…
- Giấy phép lái xe
- Thẻ Kiểm soát an ninh hàng không
- Thẻ nhận dạng của các Hãng hàng không Việt Nam.
- Vé máy bay (Còn thời hạn bay).
- Visa: nếu bạn nhập cảnh vào quốc gia nào có yêu cầu. Đây cũng là loại giấy tờ hành khách cần phải có trước khi ra sân bay. Do đó để tiện lợi, khi đặt mua vé máy bay bạn nên hỏi nhân viên bán vé để biết được thông tin cụ thể về Visa và Visa Transit (visa quá cảnh).
- Tiền mặt: để đóng phí sân bay (nếu có yêu cầu). Thông thường, lệ phí này sẽ được thu bằng đơn vị tiền của nước sở tại. Cách tốt nhất để tránh rắc rối là bạn đổi tiền sẵn trước khi đến sân bay (do đổi tiền tại sân bay thường tỉ giá thấp hơn).
- Hành lý: không giống với các phương tiện đi lại trong nước khác. Khi di chuyển bằng đường hàng không, hành khách sẽ bị giới hạn về trọng lượng và kích thước hành lý. Vì thế, bạn cần xem kỹ quy định hành lý trong hạng vé và hãng hàng không mình đi.
Lưu ý:
- Nếu mất chứng minh nhân dân, hành khách có thể dùng giấy chứng nhận nhân thân (có xác nhận của công an phường xã còn giá trị sử dụng, có ảnh đóng dấu giáp lai).
- Trẻ em dưới 14 tuổi phải có giấy khai sinh, trẻ dưới 1 tháng tuổi chưa làm giấy khai sinh phải có giấy chứng sinh.
- Khi mua vé, bạn sử dụng loại giấy tờ tùy thân nào (CMND, thẻ ngành, hộ chiếu…) thì khi làm thủ tục lên máy bay, bạn phải nhớ xuất trình loại giấy tờ đó.
2. Quy trình làm thủ tục tại sân bay (đây chỉ là quy trình chung, phổ biến nhất)
Sân bay
Đối với những ai lần đầu tiên đi máy bay, thì sân bay tựa như một mê cung rộng lớn rất dễ lạc. Vì vậy, để tránh mất thời gian khi tìm kiếm nơi làm thủ tục cho chuyến bay của mình. Bạn có thể tham khảo sơ đồ sân bay Nội Bài (Hà Nội) hay Tân Sơn Nhất (Hồ Chí Minh) và sân bay tại điểm đến.
Thông thường cách bố trí không gian của sân bay được dựa theo những nguyên tắc chung sau, với 2 khu tách biệt:
- Khu đến – Arrival: nơi mà hành khách từ nơi khác bay đến sẽ đi ra ở khu vực này.
- Khu đi – Departure: nơi mà hành khách làm thủ tục để đi máy bay đến nơi khác.
Trong mỗi khu vực có thể chia làm hai đảo nhỏ:
- Nội địa (dành cho các chuyến bay nội địa).
- Quốc tế (dành cho các chuyến bay quốc tế).
Đối với các sân bay lớn, từng khu nói trên còn chia làm thành bến – Terminal của từng điểm đi và đến. Tại mỗi Terminal có một số hãng hàng không nhất định hoạt động. Nên nếu bạn đi hãng nào hoặc đón người thân đi hãng nào thì cứ việc đến Terminal tương ứng.
Các biển báo ở sân bay đều hiển thị bằng hai thứ tiếng: tiếng địa phương và tiếng Anh. Hơn nữa, tại bất kì sân bay nào cũng luôn có các trạm thông tin (Information point) để giúp đỡ hành khách.
Các bảng điện tử nằm rải rác trong sân bay thông báo các chuyến bay cất cánh và hạ cánh. Tuy nhiên để đảm bảo tính chính xác về thời gian, bạn cũng nên chú ý loa thông báo.
Thông tin về chuyến bay trên bảng điện tử và loa phát thanh gồm các nội dung:
- Tên chuyến bay.
- Điểm đi/đến.
- Ngày giờ đi/đến.
- Tình trạng (chưa có thông tin, bắt đầu check-in, bắt đầu vào phòng đợi, chuẩn bị cất cánh, …).
Check-in
Khi làm thủ tục Check-in tại sân bay, hành khách cần lưu ý làm thủ tục trực tiếp tại quầy của hãng hàng không mà bạn đặt vé máy bay. Khi Check-in, hành khác sẽ xuất trình các loại giấy tờ vé máy bay, chứng minh thư hoặc hộ chiếu/visa cho nhân viên tại quầy kiểm tra.
Sau khi làm xong thủ tục, bạn sẽ đi qua trạm kiểm soát đồ và soi chiếu hành lý. Đối với hành lý ký gửi, bạn sẽ đưa lên bàn cân, nhân viên có thể kiểm tra luôn hành lý xách tay của bạn có hợp lệ không. Nếu đi một nhóm, bạn có thể làm thủ tục cùng lúc với họ.
Làm thủ tục xuất cảnh và kiểm tra an ninh
Tùy vào mỗi sân bay của từng quốc gia sắp xếp cho hành khách làm thủ tục xuất cảnh trước, hoặc kiểm tra an ninh trước. Tại khu vực này, bạn sẽ xuất trình những giấy tờ đã được kiểm tra và bước qua cổng từ. Sau khi hoàn tất các bước theo yêu cầu của hải quan sân bay, hành khách sẽ nhận lại được các loại giấy tờ có dấu mộc của hải quan.
Đây là 2 giai đoạn đi liền nhau nhằm kiểm tra hành lý xách tay và hành khách sẽ bước qua cổng từ để nhận lại các giấy tờ tùy thân đã xuất trình và có dấu mộc của hải quan. Và sau đó, hành khách sẽ vào phòng đợi chờ đúng giờ để khởi hành.
Vào phòng đợi
Đây là bước cuối cùng trước khi lên máy bay. Nơi đây phục vụ đủ cho bạn các dịch vụ ăn uống, quầy hàng lưu niệm trong suốt quá trình chờ chuyến bay khởi hành. Tuy nhiên, bạn cũng cần để ý loa thông báo hoặc các bảng điện tử để tránh trễ giờ kiểm tra vé máy bay và ra máy bay để khởi hành chuyến đi.
Với những thông tin hướng dẫn quy trình làm thủ tục bay trên, hy vọng bạn sẽ có chuyến khởi hành đầu tiên thuận tiện theo đúng kế hoạch.